Loại bỏ rác thải nhựa vì tương lai bền vững: Đô thị giảm nhựa – Kỳ vọng đột phá

(TN&MT) – Ô nhiễm nhựa đang là một trong những vấn nạn môi trường cấp bách nhất thế giới trong thập kỷ này. Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ cũng không ngoại lệ. Để chung tay cùng Việt Nam giảm thiểu rác thải nhựa, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF) đã triển khai hoạt động Dự án Đô thị giảm nhựa nhằm xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại một số tỉnh, thành phố làm cơ sở nhân rộng mô hình trên cả nước.

Đánh giá lượng rác thải nhựa phát sinh và loại bỏ rác thải nhựa

Theo ông Đặng Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, để giải quyết gốc rễ của vấn đề, WWF đã làm việc với chính quyền địa phương tại các tỉnh, thành, quận huyện và khu vực công – tư tại một số tỉnh, thành như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Rạch Giá, TP.HCM, Phú Yên… nhằm xây dựng và triển khai các mô hình tiên phong giúp giảm nhựa. Các hoạt động này nằm trong sáng kiến Đô thị giảm nhựa được triển khai ở cấp toàn cầu nhằm hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Để Chương trình được triển khai thành công tại Việt Nam, WWF đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá về thực trạng và cách thức quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam để đưa ra các mô hình thích hợp. Trong đó, xác định khối lượng rác thải nhựa phát sinh hàng năm và điều tra tới tỷ lệ phát sinh rác thải nhựa trong hộ gia đình, nhóm doanh nghiệp và khả năng thu mua, tái chế. Kết quả điều tra cho thấy tại Quảng Ninh, mỗi ngày có khoảng 23,02 tấn rác thải nhựa có thể thất thoát ra môi trường, tương đương 10.3% tổng chất thải phát sinh. Tỷ lệ tái chế nhựa là 24%, Khi dùng dữ liệu Quảng Ninh để quy ra dữ liệu quốc gia, ước tính mỗi năm có khoảng 570.000 tấn rác thải nhựa có thể bị thất thoát ra môi trường.

Tại TP.HCM, ước tổng lượng rác thải nhựa có thể bị thất thoát ra môi trường là 203,87 tấn/ngày, vào khoảng 74.412,55tấn/năm, tương đương 11.3% tổng lượng rác thải nhựa phát sinh. Tỷ lệ tái chế nhựa khoảng 26%, Nếu lấy dữ liệu thất thoát trên bình quân đầu người của TP.HCM để tính lượng rác thất thoát ra môi trường thì số liệu thu về là 730.000 tấn nhựa thất thoát mỗi năm. Còn ở thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) ước tính mỗi ngày có 4,5 tấn rác có thể bị thải ra môi trường, tương đương 12,6% tổng lượng rác thải nhựa phát sinh. Tỷ lệ tái chế ước tính 28%.

Trong tất cả các nguồn thất thoát rác thải nhựa, các bãi rác lộ thiên được xác định là nguồn gây ô nhiễm chính với hơn 80% lượng rác thất thoát từ nguồn ngày, kế tiếp là quá trình thu gom, trung chuyển rác thải với 16% lượng rác thất thoát. Do đó, để giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, những biện pháp hiệu quả nhất sẽ là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thu gom, xử lý chất thải, nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân thu gom rác thải nhựa với ý thức bảo vệ môi trường cao hơn.

Điều tra cũng cho thấy, khu vực phát sinh rác thải nhựa nhiều nhất là nhóm doanh nghiệp, lượng rác thải trung bình vào khoảng 88l/ngày. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ thường chỉ thải 15 – 20l/ngày, lượng rác thải thực tế rất khác nhau giữa các doanh nghiệp nhỏ và lớn.  Tiếp đến là các hộ gia đình, hầu hết các hộ gia đình đều thải dưới 2 bao chất thải rắn mỗi ngày, bao rác thường dùng nhất là loại 10l. Lượng rác thường thấy nhất của một hộ gia đình là 7,8l/ngày và các hộ gia đình ở đô thị thường xả nhiều hơn 25 – 30% so với các hộ gia đình ở khu vực ngoại thành hoặc nông thôn.

loai-bo-rac-thai-nhua-vi-tuong-lai-ben-vung-do-thi-giam-nhua-ky-vong-dot-pha
Dự án Đô thị giảm nhựa nhằm xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại một số tỉnh, thành phố.

Xây dựng phương án can thiệp và hành động

Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn của Việt Nam, WWF cũng nhận thấy Việt Nam rất quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa, thể hiện trong nhiều chính sách đã ban hành như Luật Bảo vệ môi trường 2020 với quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và đang trong quá trình xem xét, tái cơ cấu cơ chế trách nhiệm, giao nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao năng lực thể chế.

Song, trên cơ sở khung đánh giá quản lý toàn diện, đặc tính của các cơ quan liên quan trong hệ thống quản lý rác thải nhựa đã được phân tích cho thấy, trong khi động lực hành động của phần lớn các cơ quan đều đã ở mức cao, thì nhận thức lại ở mức trung bình, làm hạn chế hiệu quả hoạt động quản lý. Hơn nữa, nguồn lực hiện chưa sẵn sàng và đang ở mức thấp, gây khó khăn cho việc hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Vì vậy, WWF đã đề phương án hành động cho các địa phương, đó là can thiệp bằng các biện pháp: Cải thiện khả năng giám sát và tính tuân thủ trong suốt vòng đời của vật liệu – sản phẩm – rác thải nhựa; Ưu tiên giảm nhựa bằng các vật liệu thân thiện môi trường; Tăng cường trách nhiệm của các nguồn phát sinh rác thải nhựa trong hệ thống quản lý chất thải kể cả nhà sản xuất và doanh nghiệp; Hạn chế và nghiêm cấm việc xả thải bất hợp pháp ra môi trường vì đây là nguyên nhân chính gây thất thoát nhựa (hơn 80% lượng rác thất thoát ra môi trường ở các địa phương từ việc xả rác không đúng quy định), giải pháp này cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đa số người dân.

Đồng thời, chính quyền các địa phương cần ban hành Kế hoạch hành động, quy định phân loại rác thải tại nguồn; Thúc đẩy giải pháp xanh trong mua sắm công; Giải quyết vấn đề cho các nhóm hoạt động, thu gom, tái chế không chính quy, trong đó có yếu tố xã hội để xây dựng giải pháp mang tính bền vững; Tăng cường việc sử dụng hệ thống giám sát dựa vào cộng đồng cũng như các biện pháp can thiệp dựa vào cộng đồng, vì người dân tin rằng cộng đồng là chìa khoá cốt lõi để xoay chuyển tình hình phát thải rác nhựa lớn từ thành thị tới nông thôn.

Hiện nay, Dự án Đô thị giảm nhựa đang được triển khai tại Đồng Hới (Quảng Bình), Thành phố Huế và A Lưới (Thừa Thiên – Huế), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Phú yên, Long An, Rạch Giá và huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) và tỉnh Hà Tĩnh. Dự án nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của lãnh đạo địa phương, hy vọng mang đến những mô hình thí điểm tiêu biểu, có khả năng nhân rộng và tính khả thi cao, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nhựa mà Chính phủ đã đề ra.

Theo Báo Tài Nguyên Môi Trường

Hỗ trợ khách hàng

saithanh.moitruong@gmail.com

0867 836 526

Gọi ngay
Chat zalo
Báo giá bao-gia