Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, trên 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại rác thải tại nguồn (bao gồm chất thải nhựa) để ngăn chặn “ô nhiễm trắng”.
UBND TP. Đà Nẵng ban hành kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Kế hoạch nhằm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, những năm qua cùng với sự tăng trưởng kinh tế, lượng chất thải rắn phát sinh tại thành phố đã gia tăng đáng kể. Tính từ năm 2016 – 2019, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của thành phố tăng khoảng 15 – 16%. Dự báo ở điều kiện phát triển bình thường, đến năm 2030, thành phố sẽ phát sinh 1.794 tấn CTRSH/ngày. Đến năm 2045 khoảng 2.450 tấn/ngày.
Qua các kết quả nghiên cứu tổng hợp, tỷ lệ chất thải nhựa trong CTR chiếm khoảng 12,7-18,3%. Lượng chất thải nhựa từ các hoạt động của thành phố vào khoảng 140 – 200 tấn/ngày.
Dự báo đến năm 2030, tổng khối lượng rác thải nhựa là 228 tấn/ngày. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh là 1.794 tấn/ngày. Nếu không có giải pháp quyết liệt trong giảm thiểu sử dụng và tổ chức kiểm soát chặt chẽ từ các nguồn sử dụng và phát thải, tỷ lệ, thành phần rác thải nhựa cũng sẽ gia tăng.
Trước những áp lực của rác thải nhựa lên môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nhựa; UBND TP. Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch hành động số 112/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Mục tiêu ngăn chặn “ô nhiễm trắng”
Kế hoạch đặt ra mục tiêu trung hạn 2021-2025 là 100% các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố không sử dụng vật dụng hoặc đồ nhựa sử dụng một lần (chai nước, ống hút nhựa, băng-rôn…) trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện. Phấn đấu 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn (bao gồm chất thải nhựa). Ít nhất 80% ngư dân khai thác thủy sản cam kết không thải bỏ rác thải nhựa xuống biển.
Hơn 90% hộ dân sinh sống dọc các con sông không đổ rác thải nhựa trực tiếp xuống dòng sông. Ít nhất 70% điểm phục vụ ăn uống tại cơ sở lưu trú du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần (SPND1L) . Ít nhất 20% các cơ sở kinh doanh nước uống và thực phẩm cam kết không sử dụng SPND1L. Xây dựng và nhân rộng được ít nhất hai mô hình hiệu quả. Cụ thể như: mô hình chợ giảm thiểu sử dụng túi nilon, trường học giảm thiểu rác thải nhựa…
Đà Nẵng đặt mục tiêu 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở phân loại rác thải nhựa tại nguồn
Các hoạt động và mô hình thí điểm thành công trong giai đoạn 2021 – 2025 được cụ thể hóa bằng văn bản, chính sách của thành phố. Sau đó nhân rộng ra toàn thành phố. Ví dụ như mô hình “Chợ giảm sử dụng túi nilion”; Hoặc mô hình ‘Trường học giảm thiểu rác thải nhựa”’; “Cơ sở sản xuất thực hiện tốt giảm thiểu sử dụng vật dụng, đồ nhựa dùng một lần và phân loại rác thải tại nguồn”, mô hình “Sự kiện không rác thải nhựa”.
UBND thành phố đề ra 4 nhóm nội dung trọng tâm và các nhiệm vụ cụ thể. Đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin, hướng tới thay đổi hành vi ứng xử với các sản phẩm, vật dụng nhựa sử dụng một lần và rác thải nhựa đại dương. Triển khai các hành động mục tiêu về giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố. Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và trên biển. Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học. Ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng) Nguyễn Thị Kim Hà thông tin, hiện nay, Sở tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các dự án hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong và ngoài nước.Huy động các nguồn lực, kinh nghiệm và kỹ thuật để tăng cường công tác quản lý CTRSH. Thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và quản lý rác thải nhựa.
Ngăn chặn “ô nhiễm trắng” với sự hỗ trợ với các tổ chức uy tín
Với nhiều sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức như: Tổ chức Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR), thành phố Yokohama (Nhật Bản)…, thành phố sẽ triển khai hiệu quả nhiều dự án về phân loại chất thải rắn tại nguồn và chống rác thải nhựa, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm trắng, ô nhiễm chất thải nhựa…
Nguồn: Báo Tài Nguyên Môi Trường
Hỗ trợ khách hàng
saithanh.moitruong@gmail.com0867 836 526