(TN&MT) – Một báo cáo “Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam – Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” do IFC và Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP. Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế. Còn lại 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 – 2,9 tỷ USD mỗi năm.
Nếu tất cả được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị nhất, về lý thuyết tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm.
Rõ ràng, chúng ta đang bỏ quên “núi vàng” từ rác nhựa riêng và rác thải nói chung. Bởi, đơn cử như chất thải rắn đô thị có 14 – 16 thành phần, trong đó, phần lớn có khả năng tái sinh, tái chế như ni lông, thủy tinh, nhựa, giấy, kim loại, cao su… Khối lượng chất thải rắn có thể phân hủy chiếm khoảng 75%, còn lượng chất thải rắn có khả năng tái sinh tái chế chiếm khoảng 25%. Nếu biết tận thu rác thực phẩm, xã hội sẽ thu được hàng trăm tỷ đồng từ việc giảm chi phí chôn lấp rác và bán phân compost.
Chưa kể, ngoài lợi ích kinh tế có thể tính toán được, việc phân loại còn mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường khi giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm. Nhờ đó, các tác động tiêu cực đến môi trường sẽ giảm đáng kể như: giảm rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt…
Phân loại rác tại nguồn cần sự nổ lực từ người dân
Lợi ích là thế, song, mọi nỗ lực quản lý, xử lý rác thải đều vấp phải thói quen cố hữu của người dân là sống sao cho tiện, cho nhanh, cho đơn giản, tiết kiệm,… khiến tình trạng rác thải lại đâu vào đấy, vẫn ngổn ngang và nhếch nhác. Vòng luẩn quẩn “đổ lỗi” cho nhau khi người dân chưa quan tâm lắm đến việc phân loại rác, còn cơ quan chức năng vẫn mãi loay hoay với biện pháp chôn lấp vì chưa có một giải pháp khả thi.
Cái khó bó văn minh – hệ lụy nhãn tiền là những cuộc “hủng hoảng rác” xảy ra trên cả nước nhất là các đô thị lớn thời gian qua. Mặc dù, chúng ta đã có đủ thời gian để suy xét, để cùng nhìn ra những hạn chế đó, nhưng để chuyển hóa nó thành hành động là cả câu chuyện dài. Thực tế, tại Việt Nam mới chỉ tái chế rác thải được gần 10% và chúng ta vẫn loay hoay chưa vượt qua được giới hạn này. Trong khi đó, phân loại, tái chế rác thải còn được xem là tiêu chí của một xã hội văn minh, nhiều nơi trên thế giới đã đạt ngưỡng tái chế chất thải lên đến 99%. Đó là con số đáng suy ngẫm!
Chúng ta đã có tầm nhìn cho vấn đề phân loại rác tại nguồn. Song, tầm nhìn đó vẫn khó thực thi là câu chuyện không mới trong vấn đề quản lý nói chung và với rác thải nói riêng. Đơn cử, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường.
Những hạn chế và khó khăn khi thực hiện phân loại rác tại nguồn
Việt Nam hiện chỉ có khoảng 22% số tỉnh/thành phố ban hành quy định khuyến khích phân loại rác tại nguồn và thực tế chỉ có 7% các tỉnh áp dụng quy định này. Ngoài ra, trên 55% các tỉnh/thành vẫn còn sử dụng chung một thùng đựng cho các loại rác, nhận thức về lợi ích của việc giảm và tái chế chất thải cũng như năng lực của địa phương để thực hiện các hoạt động này vẫn hạn chế.
Câu chuyện phân loại, tái chế rác thải chắc chắn sẽ còn tốn nhiều tiền bạc, giấy mực, chất xám, tư duy… Giấc mơ đạt ngưỡng tái chế chất thải lên đến 99% như các nước phát triển sẽ là đích đến đầy chông gai phía trước. Rác sẽ trở thành tài nguyên nếu chúng được phân loại đúng cách. Nếu không thay đổi tư duy, chúng ta sẽ mãi loay hoay trong vòng vây của rác.
Theo Phương Anh – Báo Môi trường
Hỗ trợ khách hàng
saithanh.moitruong@gmail.com0867 836 526