Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) kết hợp cùng chính quyền tỉnh Long An thực hiện chiến dịch truyền thông hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác tại nguồn.
Từ tháng 7/2020, WWF – Việt Nam và chính quyền tỉnh Long An đã triển khai thí điểm mô hình phân loại rác từ nguồn tại Thành phố Tân An, tỉnh Long An. Dự án đã hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết, bao gồm việc phát gần 10,000 thùng rác cho các hộ gia đình, hỗ trợ mua 2 xe tải thùng để thu gom riêng các loại rác đã được phân loại, tuyên truyền và tập huấn về lợi ích và cách thức phân loại rác tại nguồn cho khoảng 1,000 cán bộ và người dân.
Hoạt động này đã nhận được sự quan tâm, cam kết thực hiện bởi đông đảo người dân nơi đây. Đáng chú ý, theo thống kê của WWF – Việt Nam từ ngày 09/11/2020 đến ngày 30/6/2021, hơn 940 tấn rác hữu cơ đã được thu gom tại Phường 3 và xử lý thành phân bón compost, thể hiện đúng tinh thần ” Rác là tài nguyên” của WWF.
Các bạn trẻ tại Long An đã được khuyến khích sáng tạo các câu ca dao tục ngữ truyền thống, biến hóa chúng thành những thông điệp bảo vệ môi trường. Hoạt động này đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng trên các nền tảng mạng xã hội với một số câu ca dao, tục ngữ: “Khôn ngoan vứt rác vào thùng/ Yêu thầy mến mẹ, nhựa đừng thả sông” hay “Ai ơi thương lấy môi trường/Nhớ phân loại rác, đẹp đường Tân An”…
Đây không chỉ là hoạt động giải trí thú vị, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với những người tiêu dùng trẻ. Những chất liệu dân gian được làm mới, vừa quen thuộc, vừa mang màu sắc mới lạ, đầy tính sáng tạo, khiến cho thông điệp phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa được lan tỏa rộng rãi.
Bằng hình thức mới mẻ mà không kém sự gần gũi, những thông điệp như vậy sẽ dễ dàng được tiếp cận, góp phần thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi hành vi phân loại rác tại nguồn, mua sắm và sử dụng đồ nhựa của đông đảo người tiêu dùng, hưởng đến một môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp trong tương lai.
Đặc biệt, bài Rap “Phân loại vì nhân loại” đã ra đời với hơi thở hiện đại, giai điệu hào hứng, bắt tai cùng lời nhạc ý nghĩa một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ môi trường là của mỗi cá nhân, chứ không phải chỉ là công việc của các cơ quan chức năng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên & Môi trường) Nguyễn Quế Lâm, các nghiên cứu quốc tế chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều trên thế giới với khoảng 0.3-0.8 triệu tấn/năm.
Trong đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác và được tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ. Số rác nhựa còn lại đổ vào các sông, hồ nội địa và đi ra biển dọc theo gân 3300 km bờ biển của đất nước, qua địa bàn 28 tỉnh, thành phố. Ước tính mỗi năm có khoảng 0.28 – 0.73 triệu tấn rác thải nhựa thải ra biển.
Rác thải sinh hoạt sau khi được phân loại theo đúng quy định sẽ được công ty môi trường đến thu gom. Sau đó, rác hữu cơ (là thức ăn thừa, bã cà phê, vỏ trứng,…) sẽ được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ; rác tái chế (như vỏ chai nhựa, thủy tinh, thùng, hộp giấy,…) sẽ được mang đi tái chế; còn các loại rác khác sẽ được xử lý theo quy định.
Việc có các biện pháp phân loại rác thải hợp lý, triệt để từ trong các gia đình, kết hợp với các hình thức giảm rác thải nhựa khác như dùng các sản phẩm tái chế, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần,… sẽ giúp giảm gánh nặng cho hệ thống thu gom xử lý rác thải, tránh thất thoát ra môi trường gây ô nhiễm không khí, đất và nước.
Về lâu dài, điều này sẽ giúp duy trì và tạo nền tẳng cho một nền kinh tế phát triển bền vững không chỉ của địa phương mà là của quốc gia. Những hành động ấy không chỉ giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất khỏi biến đổi khí hậu, mà chính là hành động thể hiện tình yêu thương với chính bản thân mình, với gia đình và xã hội.
Theo Minh Thư – Báo Tài nguyên & Môi trường
Hỗ trợ khách hàng
saithanh.moitruong@gmail.com0867 836 526