Nghiêm trị kẻ bất nhân

Lợi dụng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã thực hiện hành vi kinh doanh, vận chuyển hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ là thuốc điều trị Covid-19, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch.

Thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc
Vận chuyển hàng giả là Thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng TP Hà Nội, liên tiếp 2 ngày đầu tháng 9, các cơ quan có thẩm quyền phát hiện 2 trường hợp kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng thuốc và trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, tối 2-9, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường TP Hà Nội phát hiện thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thời điểm kiểm tra, chủ xe là Nguyễn Thu Huyền (SN 1979, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) không xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hộp thuốc trên xe. Trước đó, ngày 1-9 Đội QLTT số 1 TP Hà Nội đã thu giữ 400.000 sản phẩm gồm 11.490 chiếc khẩu trang KN95 nhãn có chữ nước ngoài, 1.130 bộ bảo hộ y tế không nhãn mác không rõ xuất xứ, 3.300 bộ bảo hộ y tế nhãn giấy có chữ sản xuất bởi Công ty CP Đầu tư Thiện Bình, 550 chiếc áo liền quần, 5.500 chiếc bao chân và 347.000 chiếc găng tay cao su đều không rõ xuất xứ.

Kinh doanh, vận chuyển hàng giả khẩu trang 3M giả mạo

Đáng lưu ý là 20.880 chiếc khẩu trang 3M mã 1860 có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M của Mỹ. Đây là một trong những sản phẩm được sử dụng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm rất cao như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch. Nếu cơ quan chức năng của TP Hà Nội không phát hiện, bắt giữ kịp thời, số hàng hóa này được đem ra thị trường tiêu thụ, đưa vào trang bị cho lực lượng tuyến đầu chống dịch thì hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng.

Xét về góc độ pháp luật, hành vi của các đối tượng nêu trên có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Đối với trường hợp phát hiện gần 500 vỉ thuốc điều trị Covid-19, không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ, có thể vi phạm một trong các tội danh sau: tội buôn lậu theo điều 188 Bộ Luật Hình sự (BLHS) nếu hàng hóa đó được nhập lậu từ nước ngoài về hoặc tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo điều 194 BLHS.

Khẩu trang 3M giả mạo
Khẩu trang 3M giả mạo

Đối với trường hợp thu giữ gần 400.000 sản phẩm các loại, trong đó có khẩu trang 3M có dấu hiệu của hành vi buôn bán hàng giả theo điều 192 BLHS.

Qua việc bắt giữ, các cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra để làm rõ trước, trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, các đối tượng này còn thực hiện hành vi tương tự như hành vi đã bị bắt giữ vừa rồi hay không? Những hành vi này, cần phải kiên quyết xử lý hình sự để răn đe. Trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội để khởi tố, thực hiện quy trình tố tụng hình sự.

Ngoài hành vi vi phạm pháp luật hình sự, xét về góc độ đạo đức kinh doanh, rõ ràng hành vi này là bất lương khi họ đã lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Dịch Covid-19 đang hoành hành, cả nước đang oằn mình chống dịch. Vậy mà những người này lại kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu hàng giả để trục lợi. Lợi dụng dịch bệnh để làm giàu trên sự đau khổ của đồng loại là bất nhân, táng tận lương tâm, cần phải nghiêm trị để răn đe.

Theo  Báo Lao Động

 

Hỗ trợ khách hàng

saithanh.moitruong@gmail.com

0867 836 526

Gọi ngay
Chat zalo
Báo giá bao-gia