Phú Yên: Người cán bộ tâm huyết với những mô hình bảo vệ môi trường

Anh Huỳnh Huy Việt (SN 1985) hiện đang đảm nhận chức Phó trưởng Phòng Hành chính – Tổng hợp của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên là người nghiên cứu tìm ra nhiều giải pháp khoa học, đẩy mạnh ứng dụng các mô hình bảo vệ môi trường trong lĩnh vực phân loại, giảm thiểu rác thải vào đời sống con người.

Ý tưởng xuất phát từ việc phân loại rác

Hiện nay, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại tỉnh Phú Yên mới chỉ quan tâm đến vấn đề nâng cao tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa chú trọng việc phân loại, tận dụng triệt để nguồn rác hữu cơ (qua khảo sát tại thành phố Tuy Hòa cho thấy rác hữu cơ chiếm gần 60% lượng rác phát sinh).

Theo thống kê lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Yên có xu hướng ngày càng tăng, trong khi đó hạ tầng phục vụ cho việc thu gom và xử lý rác thải vừa thô sơ và vừa thiếu, tần suất thu gom rác còn thấp, rác thải được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, đốt.

Một trong những nguyên nhân cơ bản gây áp lực lên cho hệ thống quản lý rác thải là do chưa phân loại, tái chế/tái sử dụng rác.

Tuy nhiên với hạ tầng thu gom còn chưa đáp ứng theo thực tế, chưa có nhà máy xử lý nên việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là bài toán nan giải cho Phú Yên. Bởi vậy, việc triển khai phân loại rác là xu hướng tất yếu theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Anh Huỳnh Huy Việt với các mô hình phân loại rác tại nguồn.
Anh Huỳnh Huy Việt với các mô hình phân loại rác tại nguồn.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng các mô hình phân loại rác, anh Huỳnh Huy Việt cho biết: Khâu quan trọng nhất trong việc phân loại rác là gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân với rác thải của mình và hưởng lợi từ việc phân loại này. Tức là quản lý rác thải gắn chặt với lợi ích của cộng đồng.

Do vậy, trong thời gian qua, tôi đã tham mưu đẩy mạnh việc triển khai “Thực hiện các mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải sinh hoạt tại nguồn dựa vào cộng đồng và giải pháp tuyên truyền nhân rộng hiệu quả mô hình trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.

Hiệu quả từ các mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải sinh hoạt

Anh Huỳnh Huy Việt thực hiện 4 mô hình phân loại, giảm thiểu rác tại nguồn dựa vào cộng đồng như: Mô hình trường học và cơ quan/tổ chức thân thiện môi trường, rác thải được phân loại thành rác tái chế (hay còn gọi là rác phế liệu) để bán gây quỹ cho Đoàn/Đội/cơ quan, rác hữu cơ được tái chế thành phân bằng thùng hoặc phương pháp khác nhau tùy vào điều kiện thực tế (như tháp trồng rau).

Rác còn lại chuyển giao cho đơn vị có chức năng. Mô hình cơ sở dịch vụ du lịch thân thiện môi trường, lượng rác phát sinh lớn nhất ở đây là rác hữu cơ thực vật do vậy có thể xử lý bằng ủ phân compost bằng thùng ủ hoặc nước tẩy rửa sinh học, đồng thời chú trọng hướng dẫn khách hàng cùng thực hiện công việc này.

Mô hình khu dân cư thân thiện môi trường, tập trung thu gom, xử lý tối đa lượng rác hữu cơ bằng thùng ủ hiếu khí ở mỗi hộ gia đình và khuyến khích hoạt động tự sản xuất nước tẩy rửa sinh học tập trung quy mô nhỏ (vài hộ trở lên), nhất là ở nông thôn.

Mô hình tổ chức cộng đồng sản xuất nước tẩy rửa sinh học (nước rửa chén, nước lau sàn) tự quản; để sản phẩm nước rửa chén phát triển mạnh mẽ, cần ưu tiên hỗ trợ thực hiện ở nơi có tính sinh hoạt cộng đồng, điển hình là cơ sở thờ tự, nhất ở các chùa; hoạt động mô hình dựa trên nguyên tắc tự quản và giá trị sản phẩm đảm bảo được bù đắp chi phí sản xuất.

Triển khai mô hình phân loại rác tại xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa.
Triển khai mô hình phân loại rác tại xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa.

Anh Huỳnh Huy Việt tiếp tục chia sẻ: Qua hướng dẫn của một số tổ chức môi trường, người dân làm được nước rửa chén sinh học từ rác thải thực vật. Tuy nhiên, sản phẩm có mùi hôi, nhiều cặn, hiệu quả tẩy rửa thấp, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dừng lại trong phạm vi gia đình theo hướng tự cung tự cấp.

Để khắc phục, nhóm chúng tôi đã nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm này bằng cách bổ sung chất hoạt động bề mặt tạo ra môi trường sinh hóa ổn định, giúp ngăn ngừa sự lên men, kéo dài thời hạn sử dụng. Sản phẩm vừa có bọt vừa có mùi thơm tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm được Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 9 (2020-2021) của tỉnh Phú Yên trao giải Ba.

Sản phẩm của HTX Đồng Din được bán trên thị trường.
Sản phẩm của HTX Đồng Din được bán trên thị trường.

Kết quả nghiên cứu này cũng được anh Huỳnh Huy Việt chuyển giao cho Hội LHPN xã Bình Ngọc và HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa). Ông Nguyễn Hoàng Chương – Giám đốc HTX cho biết: Từ công nghệ này, HTX hoàn thiện dây chuyền sản xuất 2 dòng sản phẩm là nước rửa chén và nước lau sàn sinh học Đồng Din. Trong đó, nước lau sàn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được một số doanh nghiệp cam kết bao tiêu. Sản phẩm giúp HTX tận dụng được phế phẩm để hoàn thiện hệ thống sản phẩm từ cây khóm.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc cho biết: Hội đang bán ra bình quân 700-800 lít/tháng, cho thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Có nguồn thu, chúng tôi duy trì được hoạt động của Hội cũng như đẩy mạnh tuyên truyền phân loại rác cho các chị em phụ nữ làm theo.

Thùng ủ phân hữu cơ.
Thùng ủ phân hữu cơ.

Ông Trương Đình Khai – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết thêm: Ngoài hoàn thành tốt công việc tại cơ quan, anh Huỳnh Huy Việt luôn tích cực tìm tòi chọn ra mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả để tham mưu cho lãnh đạo đưa vào kế hoạch triển khai ngoài thực tế.

Từ đây các phong trào bảo vệ môi trường tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng rãi. Các mô hình bảo vệ môi trường triển khai thành công đã góp phần định hình các mô hình phân loại rác, phương pháp phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại chỗ và giải pháp nhân rộng trong cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tế tại Phú Yên.

Theo Mỹ Bình _ Báo Tài nguyên & Môi trường

Hỗ trợ khách hàng

saithanh.moitruong@gmail.com

0867 836 526

Gọi ngay
Chat zalo
Báo giá bao-gia