Nhiều bãi rác tại Quảng Nam đang rơi vào tình trạng xuống cấp và quá tải, dẫn đến các sự cố môi trường.
Quá tải các bãi chôn lấp rác
Mùa mưa bão năm nay, do mưa lớn kéo dài, các hộc chưa rác thải của Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) lại xảy ra tình trạng ứ đọng nước và tràn ra cánh đồng hai thôn Bích Nam và Bích Ngô có màu đen, bốc mùi hôi thối. Lý giải nguyên nhân xảy ra sự cố, ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam cho rằng, do lượng nước mưa lớn trên núi đổ về các hộc chứa rác dẫn đến sự cố tràn nước thải ra môi trường. Trong khi đó, các dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại lại chậm tiến độ đang ảnh hướng đến việc thu gom, xử lý rác thải của địa phương.
Về lâu dài, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương quy hoạch khu xử lý nước thải Nam Quảng Nam, dự kiến sang năm sẽ đầu tư xây dựng và hoành thành vào năm 2023, khi đó khu xử lý bãi rác Tam Xuân 2 sẽ đóng cửa.
Bãi rác thải Tam Xuân 2, huyện Núi Thành đưa vào hoạt động vào năm 2004, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam quản lý, Công ty Cổ phần Môi trường – Đô thị Quảng Nam 1 – đơn vị trực tiếp vận hành. Đây là khu xử lý rác thải quy mô lớn nhất, xử lý hơn 40% lượng rác thải toàn tỉnh. Hơn 17 năm hoạt động, khu xử lý rác thải xuống cấp, quá tải.
Những năm gần đây liên tiếp xảy ra sự cố khiến người dân địa phương bức xúc.
Bà Nguyễn Thi Hoa, thôn Bích Nam, xã Tam Xuân 2 cho biết, bãi rác hình thành từ 16-17 năm nay cũng là khoảng thời gian người dân ở đây phải gánh chịu mùi hôi thối kinh khủng từ bãi xử lý rác này đến mất ăn mất ngủ. Ngoài ra, nước rỉ rác còn chảy ra kênh mương, trâu bò uống vào bị chết hết.
“Nước rỉ rác thấm vào lòng đất gây ô nhiễm nguồn nước nên bà con ở đây không dám sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Do đó, bà con mong muốn bãi rác di dời đến nơi không có dân cư cứ để như hiện nay ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật người dân.” – bà Hoa bức xúc.
Tương tự tại bãi rác Đại Hiệp cũng đang trong tình trạng quá tải sau 17 năm hoạt động và gây ô nhiễm suốt một thời gian dài. Năm 2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo đóng cửa hoàn toàn bãi rác này. Tuy nhiên, thời hạn đóng cửa bãi xử lý rác Đại Hiệp tiếp tục bị lùi sang cuối năm 2018 rồi 2019 và kéo dài mãi cho đến hiện nay khiến người dân liên tục tập trung ngăn xe vào bãi đổ rác.
Chật vật đầu tư khu xử lý rác thải công nghệ đốt
Theo Công ty Cổ phần Môi trường – Đô thị Quảng Nam, hiện nay tổng khối lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn mà công ty thu gom bình quân hiện nay khoảng 150 ngàn tấn/năm. Việc thiếu các khu xử lý rác thải tập trung là trở ngại rất lớn cho công tác quản lý rác thải khu vực nông thôn.
Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Quảng Nam mặc dù đã yêu cầu các địa phương phải tự xây dựng một khu xử lý rác riêng cho địa phương mình nhưng đến nay vẫn chưa có địa phương nào triển khai có kết quả nên vẫn còn gây áp lực rất lớn đến các bãi rác hiện có.
Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự ở địa phương. Có thời điểm diễn biến phức tạp, người dân đã ngăn chặn việc đưa rác vào khu xử lý rác dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trong cộng đồng trong thời gian dài.
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: hiện nay mới chỉ có 4 huyện là Núi Thành, Đại Lộc, Hội An và Bắc Trà My xúc tiến thực hiện dự án xử lý chất thải rắn. Ngoại trừ dự án xử lý chất thải rắn Bắc Quảng Nam thuộc thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành, thay thế cho bãi rác Đại Hiệp đang quá tải.
Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Cẩm Hà (TP. Hội An) do Công ty Cổ phần Đầu tư môi trường và phát triển năng lượng DMC-579 Quảng Nam làm chủ đầu tư, với công suất thiết kế 120 tấn/ngày đêm. Doanh nghiệp này chỉ mới ký quỹ phục hồi môi trường hơn 6 tỷ đồng và chưa triển khai xây dựng theo quy định.
Dự án Nhà máy phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Trà My của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và du lịch Thành Nam đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Còn dự án khu xử lý rác thải Nam Quảng Nam dù đã có chủ trương đầu tư năm 2019 để thay thế cho khu xử lý rác Tam Xuân 2, nhưng đến thời điểm này tỉnh mới hoàn thành quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500.
Riêng các huyện đồng bằng và trung du còn lại chưa xúc tiến hoặc còn vướng mắc trong quá trình xác định khu xử lý. Đối với 7 địa phương khu vực miền núi, đã có các khu xử lý với quy mô nhỏ, cần phải nâng cấp, mở rộng một số hạng mục chính để đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.
Tiến độ này đang rất chậm so với yêu cầu, sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đặt ra trong Đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố về chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương khi các khu xử lý cấp tỉnh đóng cửa.
Theo Lan Anh – Báo Tài nguyên & Môi trường
Hỗ trợ khách hàng
saithanh.moitruong@gmail.com0867 836 526