Tại Hà Nội, sáng ngày 02/12, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo “Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản, thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn và hướng tới Kinh tế biển xanh”.
Hội thảo nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin về tình hình phát triển ngành thủy sản trong kinh tế biển xanh và thực trạng rác thải nhựa trong ngành kinh tế biển này; đề xuất các giải pháp giảm thiểu, thu gom và tái chế rác thải nhựa từ tàu cá.
Và định hướng các giải pháp can thiệp cụ thể tại cảng cá Quy Nhơn, trong khuôn khổ dự án sắp tới giữa UNDP và tỉnh Bình Định. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, có tiềm năng phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được coi là một trong những quốc gia có lượng lớn rác nhựa thải ra biển hàng năm.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đầu tháng 8/2021, rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa trên biển, đang là vấn đề nổi cộm trên toàn cầu. Ước tính, hơn 70% – 80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền.
Phần còn lại là nhựa thải trực tiếp ra biển, chủ yếu từ các hoạt động đánh bắt hải sản như ngư cụ bị bỏ lại trên biển, đặc biệt nguy hiểm với sinh vật biển và là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm nhựa trên đại dương. Chỉ tính riêng tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, 100% tàu cá không có thiết bị thu gom rác thải và 100% tàu cá không đưa rác thải vào bờ.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng VIFEP chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất, ngành thuỷ sản cần sử dụng các vật liệu bằng nhựa. Rác thải nhựa trong quá trình sản xuất thuỷ sản cũng là một trong những nguồn thải ra biển và đại dương. Do vậy, rác thải nhựa từ ngành thuỷ sản cần phải được thu gom và có giải pháp xem như một dạng tài nguyên cần tái chế, tái sử dụng ”.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương và 100% ngư cụ bị mất hoặc bị vứt bỏ. 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. 100% các khu bảo tồn biển không có rác thải nhựa.
Để giảm lượng rác thải nhựa từ ngành thủy sản và hướng tới nền kinh tế xanh, điều cần thiết là phải áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam nhấn mạnh: “Để giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, phát triển kinh tế biển xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế, tăng cường, chuyển giao công nghệ, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế.”
Ông nói thêm rằng buổi hội thảo này sẽ giúp cung cấp thêm “thông tin đầu vào quan trọng để UNDP, UBND tỉnh Bình Định và TP. Quy Nhơn có thể xây dựng và triển khai mô hình thu gom chất thải hiệu quả từ các tàu cá và tại cảng cá Quy Nhơn”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất một mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa từ tàu cá sẽ được triển khai thí điểm tại cảng cá Quy Nhơn, trong đó bao gồm
(i) hỗ trợ kỹ thuật cho phép tàu cá lưu giữ rác thải trong suốt hành trình đi biển
(ii) xây dựng các quy định của địa phương nhằm khuyến khích tàu cá mang rác vào bờ
(iii) thiết lập hệ thống thu gom rác tại các cảng cá khi các tàu cập bến.
Những rác thải nhựa này có thể được chuyển đến các Cơ sở Tái chế Vật liệu ở thành phố Quy Nhơn để tiếp tục được xử lý và tái chế.
Theo Thủy Thủy – Báo Tài nguyên & Môi trường
Hỗ trợ khách hàng
saithanh.moitruong@gmail.com0867 836 526