Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính 3.630 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố xử phạt 223 trường hợp. Chủ tịch UBND quận, huyện xử phạt 1.149 trường hợp. Chủ tịch UBND xã, thị trấn xử phạt 2.025 trường hợp. Sở TN&MT xử phạt 233 trường hợp.
UBND TP.HCM vừa có Văn bản gửi Bộ TN&MT báo cáo công tác tổng kết thi hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ (Nghị định 155) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức bảo vệ môi trường (BVMT)
Theo đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức triển khai Nghị định 155 đúng theo quy định. Qua công tác kiểm tra, đã chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công cụ xử lý vi phạm hành chính về BVMT.
Các nhóm hành vi xử phạt theo Nghị định 155 bao gồm:
- Hành vi về hồ sơ;
- Thủ tục hành chính về BVMT (không có ĐTM, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung ĐTM đã được phê duyệt);
- Không có Giấy xác nhận đã thực hiện công trình, biện pháp bảo vệ môi trường;
- Vi phạm xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép;
- Vi phạm về quản lý chất thải nguy hại, công nghiệp.
UBND TP.HCM cũng cho biết, thành phố luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về BVMT. Đặc biệt là Nghị định 155 là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm BVMT cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Theo đó, TP.HCM đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như:
- Tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo;
- Các chuyên mục giải đáp;
- Các pano, áp phích, khẩu hiệu tại các nơi công cộng;
- hoặc tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
UBND TP.HCM nhận định, đến nay, Nghị định 155 đã tạo ra sự chuyển biến tích cực đối với người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân hoạt động sản xuất đã chủ động khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm. Họ đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thờivận hành thường xuyên theo đúng quy định.
Qua hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đã phát hiện những vướng mắc, khó khăn, bất cập của một số quy định pháp luật. Qua đó đã đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong Chương trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 155.
Còn một số bất cập trong công tác xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường
Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, bên cạnh các kết quả đạt được, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và Nghị định 155 nói riêng vẫn còn một số bất cập, hạn chế.
Cụ thể: Mức phạt tiền lĩnh vực BVMT theo Nghị định 155 được tăng nhiều lần. Điều này phù hợp với nguyên tắc “gây ô nhiễm càng nhiều, mức phạt tiền càng cao”. Tuy nhiên, thẩm quyền phạt tiền của các chức danh chưa được tăng tương ứng, dẫn đến đa phần các trường hợp vi phạm đều thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND TP.HCM nên làm giảm tính chủ động của cơ quan quản lý địa phương.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn gặp nhiều khó khăn trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, thay đổi pháp nhân… nhằm trốn tránh việc nộp phạt vi phạm hành chính. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đòi hỏi tính kịp thời, chính xác. Trong khi đó nguồn nhân lực hiện nay còn thiếu. Địa bàn quản lý rộng nên chưa đáp ứng đủ yêu cầu công việc.
Ngoài ra, hệ thống quy định pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay còn một số vướng mắc như: Chưa có Nghị định quy định về hoạt động kiểm tra doanh nghiệp sau khi Nghị định 61/1998 ngày 15/8/1998 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành. Một số trường hợp phản ánh ô nhiễm môi trường xuất phát từ xung đột cá nhân, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định giới hạn quyền của người phản ánh trường hợp đã được các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giải quyết nhiều lần.
Mặt khác, pháp luật xử phạt vi phạm hành chính hiện nay quy định biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng, kê biên tài sản để bán đấu giá, tuy nhiên các hình thức này chỉ phù hợp cướng chế nộp tiền phạt, chưa phù hợp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có hình thức bổ sung là buộc đình chỉ hoạt động (biện pháp cưỡng chế hữu hiệu nhất là ngắt điện, ngắt nước phục vụ hoạt động sản xuất). Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định trường hợp cưỡng chế nộp phạt mà đối tượng vi phạm không có tài khoản ngân hàng, không có tiền trong tài khoản và không có tài sản để kê biên (tài sản đã cầm cố ngân hàng).
Báo Tài Nguyên Môi Trường
Hỗ trợ khách hàng
saithanh.moitruong@gmail.com0867 836 526